Uống thuốc kháng sinh khi mang thai tuần đầu có ảnh hưởng gì?

11 min read

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Loan – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng .

Lỡ uống thuốc kháng sinh khi mang thai 1 tuần trước khi xác định mình đang mang thai gây ra nhiều băn khoăn, lo lắng cho chị em phụ nữ. Liệu điều này có ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu cũng như thai hay không? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có câu trả lời chính xác.

1. Nguyên tắc dùng thuốc cho mẹ bầu mang thai tuần đầu

Trước khi tìm hiểu nguyên tắc dùng thuốc cho phụ nữ mang thai tuần đầu, chúng ta cần xác định được tuần đầu thai kỳ được định nghĩa như thế nào? Thực tế, đa số chị em phát hiện mình có thai khi thai nhi đã sắp sửa bước sang tuần thứ 5. Thực tế, thai kỳ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt gần nhất của bạn. Lúc này, tử cung đã bắt đầu làm tổ để sẵn sàng cho thai nhi trú ngụ.

Đến khi bạn bắt đầu test que thử thai ra 2 vạch, nhiều người tự hiểu rằng em bé mới được 1 tuần tuổi. Nhưng thực tế, thai lúc này đã bước vào giai đoạn hình thành, phát triển các cơ quan quan trọng như não và cột sống. Do đó, việc phải uống thuốc kháng sinh khi mang thai 1 tuần luôn được cân nhắc, tránh gây tác hại đến thai nhi trong giai đoạn này.

2. Uống thuốc kháng sinh khi mang thai 1 tuần có sao không?

Theo các chuyên gia, ở kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, chị em tuyệt đối không nên uống bất cứ loại thuốc nào. Bởi mỗi nhóm thuốc kháng sinh khi vào cơ thể của thai phụ đều vượt qua được hàng rào nhau thai và tác động trực tiếp đến thai nhi. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào từng loại kháng sinh, liều lượng và thời gian sử dụng.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, dẫn đến quái thai. Trong giai đoạn từ tuần thứ 14 trở đi đến cuối thai kỳ, việc sử dụng thuốc còn có thể gây ngộ độc thai. Trong giai đoạn tiếp theo cho đến khi sinh nở, mẹ bầu cũng hạn chế tối đa việc dùng thuốc mà nên tham khảo các phương pháp điều trị tự nhiên, lành tính hơn. Ví dụ, mẹ bầu bị đau đầu thay vì uống thuốc giảm đau thì nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, xoa bóp thư giãn cơ thể. Nếu gặp phải tình trạng táo bón nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nhiều nước thay vì uống thuốc nhuận tràng.

Trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc thì cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng thuốc. Bác sĩ là người trực tiếp thăm khám và đưa ra lời khuyên để vừa có thể điều trị bệnh vừa an toàn cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên nắm thông tin về các loại thuốc kháng sinh nên tránh hoàn toàn khi mang thai. Nếu phải dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng thì những thuốc kháng sinh nào sẽ an toàn cho cả mẹ và bé?

2.1. Thuốc kháng sinh chống chỉ định cho phụ nữ có thai

2.1.1. Nhóm tetracycline ảnh hưởng đến xương và răng

Là một nhóm kháng sinh phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột như tả, kiết lỵ, E.coli… Tuy nhiên, khi dùng thuốc này ở phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ làm hỏng men răng, suy yếu, ố vàng răng và cả xương dài của trẻ, đặc biệt là ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.

2.1.2. Nhóm aminoglycosid gây ảnh hưởng thính lực

Nhóm aminoglycosid là nhóm kháng sinh bao gồm các thuốc như streptomycin, tobramycin… đã được chứng minh gây độc trên thận và tai ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi mang thai 1 tuần hay đang có ý định mang thai các mẹ bầu đều không nên uống thuốc kháng sinh nhóm này vì có thể gây tác hại cho trẻ mà nặng nề nhất là gây điếc vĩnh viễn.

2.1.3. Nhóm quinolon ảnh hưởng đến sụn xương

Nhóm quinolon với các loại kháng sinh thế hệ fluoroquinolon như ciprofloxacin cho hiệu quả điều trị tốt trên nhiễm trùng đường tiểu – nhiễm trùng phổ biến ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, loại kháng sinh này lại có nguy cơ gây hại cho sự phát triển xương sụn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đồng thời cũng tiềm ẩn những nguy cơ tổn thương dây thần kinh và khớp ở phụ nữ mang thai.

Theo trang Healthline, một nghiên cứu vào năm 2007 cũng chỉ ra rằng các fluoroquinolon có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.

2.1.4. Nhóm sulfonamid – trimethoprim

Nhóm sulfonamid được sử dụng rộng rãi trong điều trị các nhiễm khuẩn thông thường trên tiết niệu, hô hấp và da. Trong đó, nhóm sulfonamid không được dùng trên phụ nữ có thai với nguy cơ gây vàng da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do mẹ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai. Đồng thời nhóm kháng sinh này có khả năng kháng folate, được nghi ngờ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ như dị tật ống thần kinh, hở hàm ếch, bàn chân khoèo.

Axit folic (vitamin B9) cũng được khuyên dùng cho phụ nữ ở giai đoạn chuẩn bị mang thai để hạn chế nguy cơ gây dị tật bẩm sinh ở trẻ. Và không nên uống các kháng sinh nhóm sulfonamid trong những tháng đầu mang thai.

Một số nhóm thuốc khác:

  • Các thuốc chữa tăng huyết áp (ức chế men chuyển dạng angiotensin, thuốc lợi tiểu furosemid, thiazid). Nếu dùng furosemid do thải trừ nước quá nhanh và điều trị huyết áp giảm đột ngột dẫn tới giảm tưới máu tử cung cho thai. Nếu dùng kéo dài sẽ dẫn đến thai chết lưu.
  • Các kháng sinh nhóm cyclin (doxycyclin, tetracyclin). Ví dụ: dùng tetracyclin sẽ gây hỏng răng cho đứa trẻ sau này.
  • Thuốc chống đông máu (wafarin), thuốc chữa Bazdo, thuốc chống ung thư (gây độc tế bào). Dẫn xuất vitamin A liều cao dùng chữa bệnh vẩy nến, chữa da mặt và các bệnh ngoài da khác…

Vì thế khi dùng các thuốc này, muốn có thai phải 3 tháng sau khi dùng thuốc mới được mang thai để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Đối với thuốc có bản chất là gây hại cho thai nhi thì dùng với liều lượng rất nhỏ và vào thời kỳ không nhạy cảm của thai nhi vẫn có khả năng gây hại cho thai. Thuốc dùng cho bà mẹ mang thai không chỉ ảnh hưởng tới thai nhi mà còn ảnh hưởng tới đứa trẻ khi chào đời. Tình trạng này xảy ra khi dùng thuốc vào thời điểm sắp sinh.

2.2. Mang thai uống thuốc kháng sinh an toàn và hiệu quả

  • Nhóm Penicillin bao gồm: amoxicillin và ampicillin
  • Nhóm Cephalosporin bao gồm: cefaclor và cephalexin
  • Clindamycin: được sử dụng trong trường hợp dị ứng với penicillin.
  • Nhóm macrolid bao gồm: azithromycin, erythromycin.

3. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh là gì?

Không chỉ gây tác hại đến thai nhi, các mẹ bầu cũng có thể chịu nhiều tác dụng phụ của kháng sinh như:

  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ăn mất ngon
  • Mẩn ngứa, phát ban, ho khan, thở khò khè hay khó thở
  • Sốc phản vệ là một trong những phản ứng dị ứng kháng sinh nghiêm trọng nhất. Dấu hiệu nhận biết bao gồm: đau, căng cứng cổ họng, khó thở và có thể gây tử vong, bạn cần được đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

Do đó, khi các mẹ bầu mang thai 1 tuần uống thuốc kháng sinh ngoài việc cân nhắc lợi ích và tác hại trên thai nhi, các bác sĩ cũng luôn nhắc nhở mẹ bầu cần quan sát sức khỏe hay các dấu hiệu bất thường để kịp thời xử trí.

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/uong-thuoc-khang-sinh-khi-mang-thai-tuan-dau-co-anh-huong-gi/

Có thể bạn thích

Cùng tác giả