Tiêm phòng sởi – quai bị – Rubella khi mang thai có an toàn?

13 min read

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy – Bác sĩ Nhi – Trung tâm Nhi – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vắc xin sởi – quai bị – Rubella không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai. Bài viết sẽ cung cấp thông tin làm rõ hơn tính an toàn của việc tiêm phòng sởi – quai bị – Rubella khi mang thai.

1. Vắc xin phòng sởi – quai bị – Rubella (MMR) là gì?

1.1. Định nghĩa bệnh sởi, quai bị, Rubella

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi khuẩn gây ra với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ. Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm màng não ở trẻ em và viêm phổi ở người lớn.

Bệnh quai bị là một loại bệnh truyền nhiễm, có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào. Trong đó trẻ em 5 – 8 tuổi dễ bị nhất, người lớn ít mắc. Quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng nhất là vô sinh.

Bệnh Rubella có thể gặp ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính nhưng nguy hiểm nhất khi gặp ở phụ nữ đang mang thai, đặc biệt là thai kỳ ở giai đoạn 3 tháng đầu. Nếu mẹ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm virus Rubella thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhiễm virus Rubella rất cao, trên 90% (trung bình từ 50 – 80%). Nếu nhiễm Rubella từ 3 tháng tiếp theo thì tỷ lệ trẻ sinh ra mắc bệnh Rubella khoảng từ 10 – 30%. Dị tật gặp ở thai nhi sau khi sinh (hội chứng Rubella bẩm sinh) có thể là điếc, bệnh tim bẩm sinh, bệnh đục thuỷ tinh thể, bệnh đầu nhỏ (chậm phát triển), bệnh bại não hoặc các dị dạng về xương, tổn thương các xương dài, mù mắt…


Vắc-xin MMR
MMR là vắc xin sống giúp tạo miễn dịch cho cả 3 bệnh sởi – quai bị – Rubella

1.2. Triệu chứng khi bị bệnh sởi – quai bị – Rubella

Bệnh sởi gây phát ban, sốt cao, ho, đau họng, chảy nước mũi và đỏ, chảy nước mắt. Người mắc bệnh có thể lây virus cho người khác từ 4 ngày trước khi phát ban xuất hiện cho đến 4 ngày sau khi hết.

Bệnh quai bị gây sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể và sưng tuyến nước bọt dưới tai, có thể gây sưng húp má và hàm.

Bệnh Rubella (bệnh sởi Đức) thường gây phát ban nhẹ kèm theo sốt. Các triệu chứng khác có thể bao gồm nhức đầu, đau nhức khớp, chảy nước mũi và mắt đỏ.

Hiếm khi các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra khi nhiễm các loại virus này nhưng nếu có là viêm phổi, viêm màng não, điếc và tử vong.

1.3. Vắc xin phòng sởi – quai bị – Rubella (MMR) là gì?

Vắc-xin MMR là vắc xin sống, giảm độc lực, được điều chế từ virus sởi chủng Edmonston, virus quai bị chủng Jeryl Lynn và virus Rubella chủng Wistar RA 27/3 sống, giảm độc lực. Virus rubella được nuôi cấy trên nguyên bào sợi lưỡng bội ở phổi người (WI 38), còn virus sởi và quai bị được nuôi cấy trên tế bào phôi thai gà.

MMR giúp tạo miễn dịch cho cả 3 bệnh sởi – quai bị – Rubella. Vắc xin được đông khô và có nước hồi chỉnh kèm theo. Sản phẩm có dạng viên đông khô màu trắng có ánh vàng. Vắc xin MMR dùng để tiêm phòng tạo miễn dịch phòng cho cả 3 bệnh sởi, quai bị, Rubella.

MMR thường được tiêm cho trẻ từ 9 – 12 tháng tuổi. Khi đang ở trong vùng dịch mà chưa từng được tiêm vắc xin MMR thì cần được tiêm phòng 3 mũi theo lịch: Tiêm mũi 1, sau đó tiêm mũi 2 lúc 15 – 18 tháng tuổi, và mũi 3 sau mũi 2 từ 3 – 5 năm.

Người lớn cũng nên được tiêm MMR: Bất cứ ai trên 18 tuổi nên tiêm phòng ít nhất một liều vắc-xin MMR nếu chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Khi đã bị nhiễm bệnh sởi, quai bị hoặc rubella thì rất hiếm khi bị nhiễm lại virus. Vắc xin sản sinh các kháng thể chống lại virus này thường tồn tại suốt đời.

Những đối tượng không tiêm MMR:

  • Đã tiêm vắc xin MMR theo lịch khuyến cáo.
  • Đã có kháng thể IgG của sởi, quai bị, rubella.
  • Đã mắc bệnh sởi, quai bị, rubella trước đây.
  • Suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, số lượng tiểu cầu thấp.

Vắc xin MMR II & Diluent Inj 0.5ml tại Vinmec
Đối tượng đã có kháng thể IgG của sởi, quai bị, rubella không cần tiêm vắc-xin MMR

Những đối tượng cần hoãn tiêm phòng sởi – quai bị – Rubella (MMR):

  • Dị ứng nặng với lòng đỏ trứng gà (do vắc xin nuôi cấy trên phôi gà)
  • Người đang mang thai, có kế hoạch có thai thì phải tránh mang thai tốt nhất 3 tháng sau khi tiêm vắc xin MMR (hoặc tối thiểu là 1 tháng sau tiêm).
  • Có tiền sử dị ứng với neomycin
  • Đang có bệnh lý cấp tính (sốt hoặc viêm đường hô hấp….)
  • Bệnh lao đang tiến triển mà chưa được điều trị; người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch
  • Bệnh nhân đang xạ trị hay đang sử dụng corticosteroids liều cao ≥ 2mg/kg/ngày hoặc đã sử dụng Immunoglobulins chưa ngừng được 3 tháng.
  • Người có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu hay u hạch bạch huyết; người có những khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết.
  • Người vừa tiêm vắc xin sống giảm độc lực chưa được 1 tháng.

Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng MMR

  • Trong vòng 24 giờ sau tiêm, có thể có phản ứng phụ là đau nhức ở vùng tiêm. Có khoảng 5 – 15% người được tiêm cũng có thể bị sốt nhẹ kéo dài 1 – 2 ngày. 2% người tiêm bị phát ban đỏ dạng sởi, có thể lan tỏa 5 – 12 ngày sau tiêm. Hầu hết các triệu chứng nói trên thường tự khỏi sau 2 – 3 ngày mà không cần can thiệp y tế.
  • Rất ít trường hợp tiêm vắc xin MMR có phản ứng viêm tuyến nước bọt mang tai, buồn nôn, tiêu chảy, viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, đau khớp, viêm khớp, viêm đa dây thần kinh, viêm não tủy cấp tính lan tỏa.
  • Có trường hợp sau tiêm người bệnh bị sốt ở mức trung bình và viêm màng não vô khuẩn. Tuy nhiên, tỉ lệ viêm não, bệnh não chiếm tỉ lệ 1/3 triệu liều vắc xin MMR.
  • Thành phần vắc xin rubella trong vắc xin tổ hợp MMR có thể gây ra triệu chứng đau khớp và viêm khớp trong thời gian ngắn (tỉ lệ mắc ở phụ nữ: 12-20%, ở trẻ em: 0-3%). Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày tới vài tháng, hay gặp hơn ở phụ nữ.
  • Rất hiếm trường hợp sau tiêm vắc-xin MMR có phản ứng viêm hạch khu trú, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết hay phản ứng phản vệ sau tiêm.

đau nhức bắp tay sau tiêm
Người bệnh có thể cảm thấy đau nhức vùng cánh tay trong vòng 24 giờ sau tiêm

2. Tiêm phòng sởi – quai bị – Rubella khi mang thai có an toàn không?

2.1. Ảnh hưởng của sởi – quai bị – Rubella với phụ nữ mang thai

Trong mỗi lần thai kỳ có khoảng 3-5% trẻ bị dị tật bẩm sinh. Đây được gọi là rủi ro nền. Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy mắc bệnh sởi hoặc quai bị khi mang thai làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, nhưng lại có thể tăng nguy cơ sinh non (trước 37 tuần) hoặc sinh con nhẹ cân.

Nếu mẹ bị Rubella trong khi mang thai, đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai kỳ, virus có thể truyền sang em bé và gây hội chứng Rubella bẩm sinh. Ảnh hưởng phổ biến nhất của hội chứng Rubella bẩm sinh là mất thính giác. Các triệu chứng khác bao gồm giảm thị lực do đục thủy tinh thể (màng mây hình thành trên thủy tinh thể của mắt) và các khuyết tật khác của mắt, dị tật tim, kích thước đầu nhỏ và chậm phát triển. Không phải tất cả trẻ sơ sinh bị hội chứng rubella bẩm sinh sẽ có tất cả các triệu chứng này. Một số trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh chết ngay sau khi sinh. Do những nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi này, phụ nữ nên sàng lọc khi mang thai để chắc chắn rằng đã kháng thể chống lại Rubella.

2.2. Phụ nữ mang thai có nên tiêm phòng sởi – quai bị – rubella

Để có thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra đời em bé kháu khỉnh, phụ nữ nên tiêm phòng sởi – quai bị – Rubella trước thời điểm mang thai tốt nhất là 3 tháng, tối thiểu là 1 tháng. Đặc biệt, mẹ không tiêm vắc xin MMR khi phát hiện mình đã mang thai. Trong trường hợp lỡ tiêm vắc xin trên rồi mới phát hiện mình mang thai (thời gian từ lúc tiêm đến lúc mang thai chưa được 1 tháng), bạn cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách chăm sóc thai kỳ tốt nhất. Lưu ý là không có chỉ định chấm dứt thai kỳ với những trường hợp lỡ tiêm ngừa khi mang thai. Tuy nhiên, mẹ khám thai thường xuyên để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi.

Nguồn tham khảo: mothertobaby.org, babycenter.com

Dẫn nguồn từ: https://www.vinmec.com/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/san-phu-khoa-va-ho-tro-sinh-san/tiem-phong-soi-quai-bi-rubella-khi-mang-thai-co-an-toan/

Có thể bạn thích

Cùng tác giả